“Cái răng cái tóc là góc con người”, một hàm răng đẹp không chỉ mang đến hiệu quả thẩm mỹ mà còn đảm bảo sức khỏe và ăn nhai tốt. Với trẻ em, vấn đề răng miệng lại càng cần được quan tâm hơn nữa.
Thế nhưng, theo thống kế của Chương trình Bảo Vệ Nụ Cười Việt Nam có đến 85% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng; 60-90% trẻ bị mắc bệnh viêm lợi. Còn theo số liệu của Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt – Đại học Y Hà Nội, có đến 90,4% trẻ em được khám có các mảng bám trên răng. Tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở lứa tuổi 9-11 là 54,6%. Ngoài ra, có khoảng trên 80% thanh thiếu niên bị lệch răng cần nắn chỉnh.
Có thể những con số sẽ khiến ta giật mình. Thế nhưng sự thật đáng báo động từ những con số biết nói chính là lý do để chúng ta nhìn lại về cách chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho trẻ em.
1, Do đâu trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam gặp vấn đề trầm trọng về răng miệng?
Thông thường, chúng ta thường đi khám răng khi nào? Câu trả lời thường thấy là khi gặp các vấn đề về răng miệng, cụ thể 44% người khám răng do đau, gần 10% đi kiểm tra, 55% dân số không bao giờ đi khám (Theo điều tra của Bộ Y tế). Theo lời khuyên từ các bác sĩ, giống như khám sức khoẻ tổng thể định kỳ, răng miệng cũng cần được chăm sóc và kiểm tra thường xuyên.
Thế nhưng phần lớn chúng ta đều phớt lờ lời khuyên này dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng trên răng miệng nhất là ở trẻ nhỏ. Có 2 nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe răng miệng là chế độ ăn uống và cách thức vệ sinh răng miệng. Nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng không cần phải hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng quá sớm. Trẻ không được dạy cách chăm sóc răng miệng đúng, những thói quen sai được duy trì mỗi ngày. Dần dần những mảng bám tích tụ trên răng gây ra nhiều bệnh răng miệng nguy hiểm.
Thêm vào đó, sự phổ biến của đồ hộp, thức ăn nhanh, nước uống có đường gây những tác nhân gây các bệnh răng miệng ở trẻ em. Lượng đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ là nguyên nhân gây sâu răng. Khi vệ sinh răng miệng không đều đặn mỗi ngày, mảng bám sẽ tích tụ. Theo đó, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tiết ra axit có hại, phá hủy men răng và làm sâu răng, đồng thời lâu ngày sẽ tạo thành vôi răng (cao răng) gây viêm nướu (đỏ, sưng và chảy máu nướu).
2, Những đôi môi không cười và hệ lụy đi kèm
Vấn đề răng miệng chính là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm và đầu tư hàng đầu. Khi để tình trạng răng miệng diễn biến trầm trọng như: sâu, viêm nặng rất có thể vết sâu sẽ lan đến tủy răng, nơi có chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu, trực tiếp gây ra những cơn đau nhức liên miên. Khi ấy, sức khỏe của trẻ sẽ giảm sút, các phương án điều trị tốn kém và không có khả năng hồi phục như ban đầu.
Theo nhiều nghiên cứu gần đây: sâu răng và viêm nướu có liên quan mật thiết đến các bệnh khác cho cơ thể khi trẻ trưởng thành như: bệnh mạch máu não , tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, xơ cứng động mạch, bệnh đường hô hấp,… Có thể thấy “chuyện tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn”, vấn đề răng miệng của trẻ cần được phụ huynh quan tâm nhiều hơn nữa.
Có thể bạn chưa biết, các bệnh lý về răng miệng ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng cả đến tâm lý của trẻ mãi về sau. Trong trường hợp trẻ bị sâu răng dẫn đến mất răng sữa sớm, không ăn nhai tốt khiến xương hàm không phát triển, dẫn đến khuôn mặt thiếu cân đối. Những đứa trẻ tự cảm nhận được thiếu sót của mình và dễ sinh ra tâm lý ngại giao tiếp với mọi người. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi trẻ trưởng thành, hàm răng và khuôn mặt thiếu thẩm mỹ khiến các em tự ti và những nụ cười rạng rỡ dần biến mất.
Thay vào đó là những đôi môi hiếm khi hé mở, những gương mặt thiếu tự tin…
Liệu có giải pháp nào mang đến những hàm răng khỏe mạnh và nụ cười rạng rỡ cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam?